105 Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ 1 mới nhất

Truyện ngắn đặc sắc thế giới - Dịch giả Phạm Đức Hùng - Kỳ 1


Dịch giả Phạm Đức Hùng Dịch giả Phạm Đức Hùng

 

TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC THẾ GIỚI

PHẠM ĐỨC HÙNG dịch

Konstantin Georgiyevich Paustovsky (1892 – 1968), một nhà văn Nga nổi tiếng về thể loại truyện ngắn, người từng được đề cử giải Nobel văn học vào năm 1965, đã viết:“Truyện ngắn là một truyện viết ngắn, trong đó cái không bình thường hiện ra như một cái bình thường và cái bình thường hiện ra như một cái không bình thường”.

Bạn đọc chắc hẳn sẽ có được những cảm nhận về cái bình thường và không bình thường đó qua dịch phẩm: ‘Truyện ngắn đặc sắc thế giới’ của Dịch giả Phạm Đức Hùng…

 vansudia.net

 

CÂY XƯƠNG RỒNG

O. HENRY (Mỹ)

Nét đặc trưng nhất ở thời gian là nó hoàn toàn mang tính tương đối. Và nếu ai đó cảm thấy mình sắp chết thì điều hoàn toàn không thể tưởng tượng được là anh ta có thể thoáng nghĩ về toàn bộ thời gian của một cuộc tình trong chốc lát chỉ đủ để anh ta cởi bỏ găng tay.

Và đó cũng là những gì mà Trysdale đang làm khi anh đứng cạnh bàn ở trong căn hộ dành cho người độc thân của mình. Ở trên bàn có một cây xanh trông có vẻ rất lạ được trồng ở trong một một cái chậu bằng đất sét nung màu đỏ. Nó thuộc họ xương rồng và được tô điểm bằng những chiếc lá dài có dạng tua đang liên tục rung rinh cùng với sự cử động vẫy gọi lạ lùng trong làn gió rất nhẹ.

Trong khi Trysdale cởi cúc găng tay, anh thoáng nghĩ đến những giờ phút đã qua của đám cưới. Anh trai của cô dâu, đồng thời là bạn của Trysdale, đứng cạnh một một cái tủ búp phê và phàn nàn rằng người ta đã để anh ta uống rượu một mình. Cả hai người đàn ông đều mặc lễ phục. Những chiếc nơ hoa hồng màu trắng dùng trong đám cưới cài trên ve áo của họ tỏa sáng như những ngôi sao trong ánh sáng lờ mờ của căn phòng. Dường như anh vẫn còn ngửi thấy hương thơm của hoa trang trí đầy trong nhà thờ, vẫn còn nghe thấy tiếng nói chuyện rì rầm, nhỏ nhẹ của hàng ngàn người có giáo dục, tiếng sột soạt của quần áo được hồ cứng và những câu nói trịnh trọng, cầu kỳ của linh mục gắn kết cô dâu và chú rể mãi mãi với nhau vẫn còn văng vẳng bên tai anh. Bị chi phối bởi tình cảnh không thể thay đổi được và trong thời điểm tuyệt vọng cuối cùng này, Trysdale chỉ suy nghĩ về việc về việc tại sao anh mất nàng và đã mất như thế nào. Bỗng nhiên, anh thấy mình đang đối mặt với điều gì đó mà trước đây anh chưa từng cảm nhận thấy, đó là cái tôi sâu kín, đích thực, hẹp hòi, trần trụi của anh. Anh chợt nhận thấy tất cả mọi sự che đậy sự giả vờ và thói ích kỷ của mình mà anh đã có giờ đây trở thành một cái váy rách của sự ngu ngốc. Anh rùng mình khi nghĩ rằng chắc chắn là trước đây những người xung quanh đã nhận thấy những tật xấu đó của anh thật thảm hại và tồi tàn.

Hám danh và tự kiêu ư? Đó là hai thói xấu mà anh đều mắc phải, còn nàng thì không. Nhưng tại sao kia chứ…?

Khi nàng từ từ bước theo lối đi ở gữa nhà thờ đến chiếc bục làm lễ anh cảm thấy một niềm vui cay đắng dâng lên. Anh tự nhủ rằng sự xanh xao của nàng là do những ý nghĩ về một người đàn ông khác dằn vặt nàng. Nhưng ngay cả niềm an ủi bé nhỏ này anh cũng bị cướp mất. Vì khi anh nhìn thấy nàng tỏ ra rất hạnh phúc khi vội ngước nhìn người đàn ông đang nắm tay mình thì anh biết là anh đã bị lãng quên. Trước đây nàng cũng đã nhìn anh như vậy, và chắc chắn anh đã hiểu được ý nghĩa của cái nhìn ấy. Giờ đây thói tự kiêu của anh thực sự bị nát vụn, chỗ dựa cuối cùng của anh đã mất. Tại sao mọi chuyện lại kết thúc như thế này kia chứ? Giữa họ đã không xảy ra cãi cọ, hoàn toàn không…

Anh nhớ lại hàng ngàn lần những biến cố xảy ra trong những ngày vừa qua, trước đó tình thế đã thay đổi rất bất ngờ.

Nàng đã luôn tôn sùng anh và anh đón nhận điều đó với lòng kiêu hãnh. Đó là một sự ngưỡng mộ tuyệt đối mà nàng dành cho anh, rất khiêm tốn (anh tự nhủ) rất ngây thơ, rất kính trọng và rất chân thành (anh tin là thế). Nàng gán cho anh gần như vô số những phẩm chất cao quý, những đức tính tốt và những tài năng, và anh đã hút sự sùng kính của nàng vào trong mình như xa mạc hút thứ nước mưa không hứa hẹn cho ra hoa hoặc kết trái.

Khi Trysdale giận dữ cởi chiếc găng tay còn lại anh lại nhớ rất rõ đến khoảnh khắc lên ngôi của thói ích kỷ điên rồ, điều đã làm anh trở nên đáng thương như bây giờ. Đó là vào một buổi tối khi anh hỏi nàng liệu nàng có muốn được tôn sùng cùng anh và chia sẻ mãi mãi cùng anh sự cao quý hay không. Giờ đây, vì đau khổ anh không thể cho phép cho đầu óc mình cứ nghĩ mãi đến vẻ đẹp rạng ngời của nàng vào buổi tối hôm ấy, với mái tóc buông xõa, sự dịu dàng và nét quyến rũ khi nàng nhìn và nói. Trong khi họ nói chuyện, nàng bảo: “Thuyền trưởng Carruthers nói với em rằng, anh nói tiếng Tây Ban Nha như nói tiếng mẹ đẻ. Tại sao anh lại giấu em điều đó? Có điều gì mà anh không biết không?”

Làm gì có chuyện ấy – Trysdale thầm kêu lên, Carruthers là một kẻ ngốc. Trysdale đã phạm sai lầm, tất nhiên, (thỉnh thoảng anh cũng làm những việc như thế) khi đọc to trong Câu lạc bộ một vài câu tục ngữ cổ bằng tiếng Tây Ban Nha moi từ mớ hổ lốn ở bìa sau các quyển từ điển. Và Carruthers, một trong những người hâm mộ anh cuồng nhiệt, chính là người đã phóng đại, phô trương sự uyên bác đáng ngờ đó. Nhưng đáng tiếc là lời ca ngợi bắt nguồn từ sự khâm phục của nàng thật ngọt ngào và thật quyến rũ. Vì vậy anh chấp thuận sự gán ghép này mà không phản đối gì. Anh ưng thuận để cho nàng quấn quanh trán mình vòng nguyệt quế giả tạo của sự tinh thông tiếng Tây Ban Nha, để cho nó trang điểm cho cái đầu siêu việt của mình, và trong sự thít chặt dịu dàng của nó anh ta không cảm thấy nhói buốt bởi chiếc gai sau này đâm vào anh.

Nàng thật vui tươi, thật bẽn lẽn, thật run rẩy vì xúc động, như một con chim bị mắc bẫy khi anh ngỏ lời với nàng! Anh đã có thể thề thốt, và giờ đây anh cũng vẫn có thể thề thốt nếu như sự ưng thuận hiện rõ trong mắt nàng, nhưng nàng lại lưỡng lự, nàng không muốn trả lời anh ngay. “Ngày mai em sẽ trả lời anh”, nàng nói; và anh, kẻ chiến thắng tự tin, độ lượng mỉm cười chấp thuận sự trì hoãn ấy của nàng.

Ngày hôm sau, trong căn hộ của mình anh sốt ruột đợi tin nàng. Đến trưa, chú bé giúp việc của nàng đến và mang cho anh cây xương rồng kì lạ trong cái chậu đất nung màu đỏ. Không có thư, không có lời nhắn đính kèm, chỉ một mảnh giấy buộc vào cây, trên đó ghi một cái tên người hoặc tên thực vật lạ hoắc bằng tiếng nước ngoài. Anh đợi đến tối, nhưng anh vẫn không nhận được câu trả lời của nàng. Thói kiêu căng bị tổn thương đã ngăn anh đi tìm nàng.

Hai ngày sau họ gặp nhau tại một bữa tiệc. Họ chào nhau theo nghi thức xã giao, trông nàng có vẻ mệt mỏi, ánh mắt dò hỏi, sốt sắng nhìn anh. Anh lịch sự và ngoan cố đợi nàng giải thích. Bằng sự nhạy cảm của phụ nữ nàng rút ra kết luận từ thái độ của anh và trở nên lạnh nhạt, khó gần. Vì vậy càng ngày họ càng rời xa nhau. Anh đã phạm sai lầm ở đâu? Ai có lỗi? Giờ đây anh vẫn đang tìm câu trả lời trong sự tiếc nuối. Nếu…

Giọng của anh bạn chen ngang dòng suy nghĩ của anh làm anh bừng tỉnh.

“Này, Trysdale, có chuyện gì vậy? Trông cậu rất đăm chiêu, như thể chính cậu mới là người lấy vợ, chứ không chỉ là một người khách dự đám cưới. Nhìn tớ này, cũng là một người khách, đã vượt qua chặng đường dài hai ngàn dặm từ Nam Mỹ trên một chiếc tàu thủy chở chuối sặc mùi tỏi và hôi rình bởi những con gián để đến dự đám cưới của em mình. Cậu hãy nghĩ mà xem, tớ cũng buồn lắm chứ, khi giờ đây cô em gái bé bỏng, duy nhất của mình đi lấy chồng. Thôi nào, ta cùng uống chút ít cho quên sầu nào!”

“Cám ơn, lúc này tớ chả muốn uống gì nữa”, Trysdale nói.

“Vả lại, rượu của cậu cũng chán lắm”, người bạn nói tiếp, đi đến chỗ Trysdale và đứng trước mặt anh. “Cậu hãy xuống Punta Redona ghé thăm tớ và thử thứ rượu mà cụ Garcia(*) buôn lậu mang bán cho chúng tôi mà xem. Nó đáng giá cho chuyến đi của cậu đấy. Ôi chà! Cậu đào đâu ra cây xương rồng này vậy, Trysdale?”

“Đó là món quà tặng của một người bạn gái”, Trysdale nói. “Cậu biết nó thuộc loài nào không?”

“Thậm chí tớ còn biết rất rõ là đằng khác. Nó là một loài cây nhiệt đới. Khi cậu xuống Punta cậu sẽ thấy nó mọc đầy ở đó. Đây này, tên của nó được ghi trên mẩu giấy buộc vào cây. Cậu biết chút ít tiếng Tây Ban Nha chứ, Trysdale?”

“Không”, Trysdale mỉm cười đầy cay đắng đáp lại. “Đây là tiếng Tây Ban Nha ư?”

“Đúng đấy. Những người dân bản xứ hình dung những chiếc lá vươn dài ra như vẫy gọi người nhìn nó. Họ gọi điều đó bằng cái tên “Ventomarme”. Nó có nghĩa là “Hãy đến và mang em đi!”.

————
(*) Tên họ của người Tây Ban Nha

 

SAU HAI MƯƠI NĂM

O. HENRY (Mỹ)

Viên cảnh sát bước đi oai vệ tuần tra dọc theo phố. Đây là dáng đi tự nhiên của ông chứ ông hoàn toàn không cố tình bước đi như vậy, vì lúc này hầu như trên phố không có ai nhìn ông. Bây giờ mới gần mười giờ tối, nhưng những cơn gió lạnh thổi đến sau cơn mưa đã làm cho các đường phố trở nên vắng tanh.

Viên cảnh sát kiểm tra xem cửa của các ngôi nhà ở hai bên phố đã được khóa lại cẩn thận hay chưa, đồng thời quay tít cái dùi cui của mình một cách điệu nghệ bằng những động tác chính xác, thuần thục. Thỉnh thoảng ông ngoảnh lại, cảnh giác đưa mắt nhìn dọc theo con phố yên tĩnh, tạo nên hình ảnh đẹp của một cảnh sát trật tự với thân hình vạm vỡ và dáng đi nhẹ nhàng, thanh thoát. Ở khu vực này mọi người đi ngủ sớm. Chỉ đôi chỗ có cửa hàng thuốc lá hoặc quán ăn mở qua đêm là còn sáng đèn. Phần lớn các cửa được viên cảnh sát kiểm tra đều đã đóng khóa kĩ càng.

Khi đi gần đến khoảng giữa phía trước của một khu nhà liền kề, viên cảnh sát bất ngờ bước chậm lại. Một gã đàn ông ngậm ở miệng một điếu xì gà chưa châm lửa đứng tựa người vào cửa của một cửa hàng sắt thép tối om. Khi viên cảnh sát đi đến gần, gã đàn ông vội nói: “Không có chuyện gì đâu, thưa thầy đội. Tôi đang đợi một người bạn. Trước đây hai mươi năm chúng tôi đã hẹn nhau ở đây. Thật khó tin, phải không? Tôi sẽ giải thích điều đó với thầy, nếu thầy muốn biết. Trước kia ở đây có quán rượu tên là Big Joe Brady, bây giờ quán đó chuyển đi đâu rồi, thưa thầy?”

“Trước đây năm năm nó đã bị phá bỏ” viên cảnh sát nói.

Gã đàn ông quẹt diêm và châm xì gà. Ánh sáng soi rõ khuôn mặt gã, đó là một khuôn mặt góc cạnh, xanh xao với đôi mắt sắc nhọn và một vết sẹo nhỏ màu trắng gần lông mày phải. Ghim cài cà vạt của gã được nạm một viên kim cương to tướng.

“Đúng vào ngày này hai mươi năm trước”, gã đàn ông nói, “tôi đã ăn tối cùng với Jimmy Wells, một người bạn tốt nhất, thân nhất của tôi, tại đây, ở quán Big Joe Brady. Cả hai chúng tôi cùng lớn lên ở đây, tại Niu Oóc và coi nhau như anh em. Thủa ấy, tôi mười tám tuổi còn Jimmy hăm hai. Tôi đã có ý định lên đường đi sang miền Tây vào sáng ngày hôm sau để gây dựng cơ đồ của mình. Jimmy không muốn rời xa Niu Oóc. Đối với cậu ấy, đây là nơi duy nhất trên thế giới mà cậu ấy có thể sống và làm việc. Tối hôm ấy chúng tôi đã hẹn nhau rằng đúng hai mươi năm sau vào ngày này, giờ này chúng tôi sẽ lại gặp nhau ở đây, cho dù chúng tôi sống trong bất cứ hoàn cảnh nào và phải đi bao xa để đến đây. Chúng tôi đã giao ước, quyết tâm xây dựng cơ nghiệp của mình trong hai mươi năm và cả hai, dù thế nào đi nữa, cũng phải thành đạt.”

“Nghe thú vị nhỉ”, viên cảnh sát nói. “Nhưng tôi thấy, hai mươi năm là một quãng thời gian rất dài. Sau khi ông ra đi ông có còn nghe được tin tức gì về bạn mình không?”

“Có, chúng tôi có viết thư cho nhau một thời gian”, gã đàn ông nói. “Nhưng sau khoảng một, hai năm gì đó thì chúng tôi đã bặt tin nhau. Miền Tây khá rộng lớn, còn tôi thì đi suốt. Nhưng tôi biết rằng Jymmy sẽ đến, nếu như cậu ấy còn sống, vì cậu ấy đã luôn là một người bạn trung thành nhất và đáng tin cậy nhất của tôi. Tôi đã đến từ nơi cách xa hàng ngàn dặm, để tối nay có mặt ở đây, và tôi sẽ rất vui, nếu bạn cũ của tôi bất ngờ xuất hiện.”

Gã đàn ông rút ra một chiếc đồng hồ bỏ túi xinh đẹp, nắp của nó được đính kim cương.

“Mười giờ kém ba phút”, gã nói. “Lúc chúng tôi chia tay ở đây, tại cửa quán rượu là đúng mười giờ.”

“Ông đã rất thành đạt ở miền Tây, đúng không?” viên cảnh sát hỏi.

“Có thể cho là như vậy. Tôi hy vọng, ít nhất thì Jimmy cũng đạt được một nửa thành công của tôi. Cậu ấy là một người làm việc chăm chỉ, nhưng lại hơi hiền lành quá. Tôi đã phải vật lộn với những kẻ ranh mãnh nhất để kiếm tiền. Cuộc sống ở Niu Oóc bình lặng, tẻ nhạt. Nhưng cuộc sống ở miền Tây thì năng động và đầy mạo hiểm.”

Viên cảnh sát lại quay tít cài dùi cui của mình và bước một vài bước.

“Tôi phải đi tuần tiếp. Hy vọng là bạn ông sẽ đến. Nếu bạn ông không đến đúng giờ ông sẽ bỏ đi chứ?”

“Dĩ nhiên là không rồi!” gã đàn ông nói. “Tôi sẽ đợi Jimmy ít nhất là nửa tiếng đồng hồ. Nếu cậu ấy còn sống, cậu ấy sẽ đến kịp. Tạm biệt thầy đội nhé!”

“Chào ông!” viên cảnh sát nói, bước đi và nhìn xem cửa của các cửa hiệu đã được khóa lại hay chưa.

Lúc này trời lạnh, có mưa phùn dày hạt, và từ những cơn thưa thớt gió đã chuyển sang thổi liên tục. Vài người khách bộ hành đi qua khu vực ấy kéo cao cổ áo, đút hai tay vào túi lặng lẽ, buồn rầu rảo bước. Còn gã đàn ông đã đi hàng ngàn dặm đến đây thì hút xì gà đứng đợi ở trước cửa hàng sắt thép để thực hiện một ước hẹn có lẽ đã trở thành vô nghĩa.

Gã đợi khoảng hai mươi phút thì có một người đàn ông cao lớn mặc một chiếc áo măng tô dài vội vã đi đến từ phía bên kia đường. Ông ta đi thẳng đến chỗ gã.

“Cậu đấy à, Bob?” ông ta ngập ngừng hỏi.

“Cậu có phải là Jimmy Wells không?” gã đàn ông reo lên.

“Đồ quỷ!” người đàn ông cao lớn nói và nắm lấy cả hai bàn tay của gã. “Bob, đúng là cậu rồi. Tớ đã chắc chắn là sẽ gặp cậu ở đây, nếu như cậu còn sống. Đồ quỷ! Tớ rất vui! Hai mươi năm là một quãng thời gian rất dài. Cậu thấy đấy, quán rượu cũ đã bị phá bỏ. Tớ đã rất muốn nó còn ở đây để chúng ta lại có thể cùng nhau ăn tối. Cậu sống ở miền Tây thế nào?”

“Tuyệt vời, tớ đang có tất cả những gì mình muốn. Cậu đã thay đổi nhiều quá, Jimmy. Tớ đã luôn nghĩ cậu sẽ lùn đi hai, ba inch(*).”

“Ồ không! Hai mươi năm qua tớ còn cao thêm một ít nữa đấy.”

“Cuộc sống của cậu ở Niu Oóc tốt chứ, Jimmy?”

“Cũng tạm ổn. Tớ làm việc ở cơ quan hành chính của thành phố. Đi nào, Bob! Tớ biết, gần đây có một quán rượu, ở đó chúng ta sẽ thoải mái trò chuyện hàn huyên.”

Hai người đàn ông khoác tay nhau đi dọc theo phố. Gã đã ông đến từ miền Tây bắt đầu thuật lại vắn tắt những thành công trên bước đường đời của mình một cách kiêu ngạo. Người đàn ông cao lớn kéo cao cổ áo măng tô của mình và chăm chú lắng nghe.

Ở góc phố có một hiệu thuốc tây còn sáng đèn. Khi hai người đàn ông đi đến chỗ có ánh đèn hắt ra từ hiệu thuốc, cả hai người cùng ngoảnh cổ để nhìn vào mặt nhau.

Gã đàn ông đến từ miền Tây bỗng nhiên đứng lại và gỡ tay ra.

“Ông không phải là Jimmy Wells”, gã nói. “Mặc dù hai mươi năm là một quãng thời gian dài, nhưng không đủ để làm cho một người mũi thẳng thành một người mũi hếch.”

“Thỉnh thoảng thời gian cũng làm cho một người tốt trở thành một người xấu”, người đàn ông cao lớn nói. “Silky Bob, ông đã bị bắt từ trước đây mười phút. Cảnh sát ở Chicago đã cho rằng ông sẽ đến Niu Oóc, và họ đã gửi điện tín cho chúng tôi nói rõ ông là đối tượng đang bị truy nã. Ông tự nguyện theo tôi về đồn chứ? Ông biết điều đấy. Nhưng trước khi chúng ta đi đến đồn cảnh sát thì ông hãy đọc mảnh giấy này. Ông có thể đọc nó ở cạnh cửa sổ của hiệu thuốc. Đó là mảnh giấy của viên cảnh sát Wells gửi cho ông.”

Gã đàn ông đến từ miền Tây giở mảnh giấy ra. Gã tỏ ra bình tĩnh khi bắt đầu đọc, nhưng khi đọc xong thì tay gã hơi run. Nội dung ghi ở trong mảnh giấy khá ngắn gọn:

“Bob ơi, tớ đã đến điểm hẹn đúng giờ. Khi cậu quẹt diêm để châm xì gà, tớ đã nhận ra khuôn mặt của cậu cũng chính là khuôn mặt của kẻ đang bị truy nã ở Chicago. Tớ đã không biết xử sự thế nào cho phải, vì thế tớ đã để cho đồng nghiệp thực hiện thay bổn phận của mình. – JIMMY.”

——————-
(*) Đơn vị đo chiều dài của Anh, bằng 2,54 cm.

 

CHẾT VÌ THƠ CA

COBBLESTONE RILEY (Mỹ)

Shorty bước theo một con chim bồ câu đang chạy lon ton dọc theo lề đường. Cậu ta rùng mình kéo cao cổ áo jắckét mỏng của mình lên, đút hai tay vào túi và nói với Boston Jim: “Thằng Tim chết rồi.”

“Tớ cũng nghe thấy mọi người nói vậy”, Boston Jim nói và châm thuốc lá.

– Nó đã không nên làm chuyện đó.

– Làm gì?

– Cố lừa lão Fat Man Jack.

– Nó đã làm chuyện đó sao? Boston Jim sửng sốt hỏi lại.

– Đúng vậy. Shorty gật đầu.

– Nó đã lừa bao nhiêu?

– Không phải tiền.

– Thế thì là cái gì?

– Một bài thơ.

Boston Jim trố mắt nói: “Lừa một bài thơ á?”

“Đúng thế”, Shorty nói đủng đỉnh, “lừa một bài thơ.”

– Chuyện đó đã xảy ra như thế nào?

Tớ tin là chuyện đó xảy ra trước đây hai ngày, khi đó lão Fat Man đã cố leo sáu tầng cầu thang với một thân hình cân nặng chín mươi kí lô lên chỗ ở bẩn thỉu của Tim ở tận trên tầng sát mái, trong một ngôi nhà tồi tàn có tầm nhìn chữ A hướng xuống những mái nhà được phủ bằng giấy dầu, những ống khói xiêu vẹo, những mảnh sân bẩn thỉu và nhiều thứ khác nữa mà thôi, cậu biết rõ chỗ ở của nó rồi còn gì nữa.

Boston Jim gật đầu đồng ý.

– Chẳng hiểu lão Fat Man muốn gì ở đó. Có thể lão ta đã lại dành cho Tim một công việc vặt chán ngắt mà không một thằng con trai nào của lão muốn làm. Cũng có thể là Tim lại mắc nợ lão ta quá nhiều. Chắc chắn đó không phải là một cuộc viếng thăm thân tình. Lão Fat Man thở phì phò leo lên cầu thang, kiệt sức khi đi vào nơi ở tồi tàn của Tim, và ngay lập tức lão ta nhìn thấy bài thơ đó, nó chỉ có vài dòng, được chép vào tờ giấy trắng tinh, được đóng khung kính cẩn thận và treo trên tường. Lão Fat Man đọc bài thơ, hơi thở của lão ta trở lại bình thường và lão ta nói chuyện với Tim. Khi hai người đã trao đổi xong, lão Fat Man đã định đi xuống, chợt lão ta dừng lại trước bài thơ, hỏi Tim: “Bài thơ của ai thế?”

– Bác thấy bài thơ thế nào? Tim reo lên.

Lão Fat Man lẩm bẩm cái gì đó và nói: “Bài thơ hay đấy, tôi mới đọc qua thôi. Nhưng nó của ai vậy?”

Tim ngập ngừng, lão Fat Man cố đoán xem nó định nói gì. Lão ta hiểu ý Tim và nói: “Thì cứ nói nó là của cậu đi.”

Tim ậm ừ.

– Cậu cho tôi bài thơ nhé.

– Bác cần một bài thơ để làm gì? Chắc chắn Tim không phải là người thông minh, nhưng đó lại là một câu hỏi thông minh của nó.

Lão Fat Man không nói gì, chỉ chòng chọc nhìn Tim, đợi câu trả lời. Và nếu như lão ta nhìn ai chòng chọc như thế thì có nghĩa là chỉ có một câu trả lời. Điều đó Tim thừa biết. Nó nhún vai, thở dài thườn thượt và hỏi: “Bác muốn gì?”

Lão Fat Man chỉ đợi có thế, lão ta giật phăng khung kính có bài thơ, kẹp dưới nách và vội vàng đi xuống cầu thang.

Tim nhìn chằm chằm vào chỗ trống ở trên tường, nơi còn lại một cái đinh han gỉ, trơ trọi, và gãi đầu suy nghĩ, tự hỏi: “Lão Fat Man Jack định làm gì với một bài thơ nhỉ?’ Đối với nó việc hiểu lão Fat Man Jack cũng giống như một câu đố không có lời giải và ngay cả đối với không ít người được coi là tinh ranh.”

“Đúng thế”, Boston Jim nói. “Nếu lão Fat Man thích cái gì thì lão ta lấy ngay. Nhưng tớ chưa hề nghe thấy ai đó nói rằng lão coi trọng văn chương chữ nghĩa.”

“Tớ cũng chưa bao giờ nghe thấy ai nói như thế”, Shorty tán thành. “Cho tớ xin điếu thuốc nào!”

Boston Jim chìa cho Shorty bao thuốc lá bị bẹp và đưa diêm cho cậu ta.

Với vẻ mặt đăm chiêu Shorty cố thổi những vòng tròn khói thuốc vào làn gió bấc lạnh cắt da cắt thịt.

– Chuyện về Tim tớ chỉ nghe mọi người kể đến đây thôi. Sau đó cô Lizzy đã kể cho tớ phần còn lại.

– Cô vợ mới của lão Fat Man á?

– Chính xác.

Shorty hút thuốc, còn Boston Jim thì đợi cậu ta kể tiếp: “Về đến nhà mình lão Fat Man vớ ngay lấy búa, đinh và treo bài thơ ngay bên trên chiếc ti vi, nơi lão ta luôn nhìn thấy mỗi khi ngồi ở chiếc ghế bành. Sau đó lão ta buông mình xuống chiếc ghế đó, đưa một điếu xì gà lên khóe miệng, rít một hơi và nói: “Thế chứ!” Lizzy đi đến gần bài thơ và đọc vài câu, nhưng cô ta không thể tìm thấy điều đặc biệt gì ở trong đó. Cô hỏi: “Thơ của ai thế anh?”

“Em không biết được đâu”, Fat Man làu bàu. Lão ta nghĩ: Ngay cả khi lão không làm gì khác ngoài việc đọc bài thơ này trong cả cuộc đời khốn nạn của mình thì điều đó cũng đáng giá. Bài thơ có phong cách riêng với lối tả thực. Và chỉ có một từ để nói về tài năng của người viết ra nó, đó là từ “thiên tài”.

– Thế bài thơ viết về cái gì?

– Cô Lizzy cho rằng bài thơ viết về một con hổ ở trong vườn bách thú hoặc đại loại như thế. Chắc chắn toàn bộ bài thơ đã gợi lên trong Fat Man một cảm xúc. Có thể lão ta tưởng rằng qua bài thơ Tiny Tim đã giúp lão nhìn thấy sự sinh động của cuộc sống. Nhất định ở trong đấy có cái gì đó hết sức quan trọng đối với lão. Chắc hẳn đó là những lời vàng ngọc. Và lão có vẻ rất tự hào rằng lão biết người đã viết ra chúng. Mặc dù lão ta chẳng coi Tiny Tim ra gì.

“Thằng Tim đúng là một kẻ chẳng ra gì”, Boston Jim thản nhiên khẳng định, búng tóp thuốc lá xuống rãnh thoát nước và há hốc mồm nhìn theo chiếc xe Limosine màu đen chạy êm ru lướt qua.

– Có thể là thế. Nhưng bây giờ nó đã chết.

– Cậu vẫn chưa nói cho tớ biết, nó chết như thế nào.

– Được rồi, để tớ kể tiếp. Cô Lizzy chỉ hiểu láng máng nội dung bài thơ và cũng không biết rằng lão Fat Man biết người viết ra nó. Nhưng đối với lão ta điều đó không quan trọng, lão ta đang vô cùng vui sướng. Tối hôm qua, khi lão Fat Man vừa mới đi ra ngoài một lát, còn cô Lizzy thì xem phim trên truyền hình, khi đó diễn viên trong phim đọc đúng bài thơ đó. Như vậy, nhất định đây phải là một bài thơ thực sự hay thì người ta mới đưa lên phim. Và trong phim người ta còn nói tên tác giả của bài thơ là Reelkie hay là một cái tên gì đó na ná như thế, nhà thơ đó không sống ở đây, cậu biết ông ta không?

– Không, tớ không biết rõ các nhà thơ, cho dù họ sống ở đây hay không.

“Cứ trốn học thường xuyên như cậu thì người khác còn học được gì ở cậu nữa”, Shorty càu nhàu. “Như vậy, nhất định đó không phải là tên của Tiny Tim. Khi Fat Man quay trở lại phòng khách thì cô Lizzy cười rũ rượi và nói với lão ta rằng lão đã bị chơi xỏ.

Khi đó mặt lão Fat Man trắng bệch ra, sau đó đỏ lựng lên. Đoạn, lão ta đã giật bài thơ đang treo ở trên tường và cầm nó lao ra khỏi nhà.

“Chắc chắn lão ta là đến chỗ ở của thằng Tim rồi”, Boston Jim suy diễn.

Shorty gật đầu xác nhận. “Và sau đó chính xác điều gì đã xảy ra thì chỉ có mình lão Fat Man biết. Có thể là do quá sợ mà Tim nhảy ra ngoài cửa sổ khi nó nghe thấy lão Fat Man thở hồng hộc leo lên cầu thang. Cũng có thể nó chuồn lên mái nhà và bị ngã xuống dưới. Hoặc là chính lão Fat Man đã tự tay quăng nó xuống từ trên tầng thượng. Chắc chắn cảnh sát đã bắt và tống giam lão ta.”

– Nhưng Tim đã không hề nói rằng bài thơ đó là của nó.

– Đúng thế. Và nó cũng không đề tên mình ở bên dưới bài thơ.

Boston Jim châm một điếu thuốc khác, nói: “Tuy nhiên, nó đã phá hỏng một giấc mơ đẹp của lão Fat Man, đó có thể là giấc mơ duy nhất lão đã từng có.”

– Có lẽ vậy. Hình như năng khiếu thưởng thức văn chương tiểm ẩn trong con người lão mà không ai biết đã bị chà đạp.

Boston Jim khịt mũi và dè dặt hỏi: “Thế ai lo việc tang lễ cho thằng Tim? Hình như là nó không còn người thân thì phải.”

Shorty bật cười. “May mắn thay! Nó còn nhiều chiến hữu, việc gì cậu phải lo cho nó.”

“Thôi được”, Boston Jim giảng hòa. “Thằng Tim không chơi thân với bọn mình. Nhưng dù sao thì cũng là bạn bè cùng trang lứa. Chúng ta nên cùng lo liệu cho an táng của nó được chu đáo.”

Shorty nhìn cậu ta với ánh mắt dò hỏi.

– Hôm nay là thứ Ba, vào buổi tối bọn thanh niên sẽ tụ tập tại quán bia của Barney. Chúng ta có thể đứng ra quyên góp để ít nhất cũng đủ tiền mua cho nó một tấm bia mộ hẳn hoi.

Shorty ngẫm nghĩ. “Thế chúng ta thuê khắc gì lên đó?”

“Ồ, cái đó thì khó gì!” Boston Jim cười nhăn nhở. “Đơn giản là chúng ta thuê người ta khắc lên đó dòng chữ mạ vàng: NƠI ĐÂY YÊN NGHỈ TINY TIM,  NGƯỜI ĐÃ MẤT VÌ THƠ CA.”

 

HỨA HÔN

HERMANN HESSE

ở trong ngõ Nai có một cửa hiệu nhỏ bán vải lanh, nó nằm ở đó giống như các cửa hàng lân cận vẫn chưa bị động đến bởi những đổi thay của thời đại mới và có sự hài hoà tương xứng. ở đấy người ta vẫn nói các câu “Thật vinh dự cho cửa hàng của tôi! Lần khác mời bà lại hạ cố đến mua hàng cho tôi nhé!” với từng khách hàng lúc ra về, ngay cả khi bà ta đều đặn đến cửa hiệu từ hai mươi năm nay, và thỉnh thoảng còn có hai hoặc ba bà khách hàng cao tuổi đến đó, những người khi mua hàng đòi đo chiều dài của dải ruy băng và các dải viền bằng elle(1) nhưng vẫn được phục vụ theo yêu cầu. Việc phục vụ khách hàng được giao cho một người con gái còn độc thân của gia đình hoặc một người bán hàng thuê, bản thân ông chủ ở cửa hiệu từ sáng đến tối muộn và luôn luôn bận rộn, tuy nhiên ông ta không hề nói lấy một lời nào. Hiện giờ ông ta chỉ khoảng bảy mươi tuổi, có vóc người rất thấp bé, đôi má hồng hào xinh xắn và một bộ râu màu xám được cắt ngắn, nhưng trên cái đầu có lẽ bị hói từ lâu rồi ông ta luôn đội một chiếc mũ cứng hình tròn có các đường uốn lượn và các bông hoa được thêu trên nền vải thô. Ông ta tên là Andreas Ohngelt và là một trong những cư dân lâu đời, chính cống, đáng kính của thành phố.

Không ai nhận thấy ở ông thương gia bé nhỏ ít nói có điều gì đó đặc biệt, từ hàng chục năm nay trông ông ta vẫn thế, không già đi mà cũng chẳng trẻ ra. Tuy nhiên trước đây Andreas Ohngelt cũng đã là một cậu bé và đã là một chàng thanh niên, và nếu người ta hỏi những người già thì người ta có thể biết được rằng, ngày xưa ông ta bị gán cho cái tên là thằng Ohngelt tí hon và được tận hưởng một sự nổi tiếng nhất định trái với ý muốn của mình. Tuy nhiên, trước khoảng ba mươi lăm tuổi, thậm chí ông ta đã trải qua một “sự kiện” mà trước đây mọi người dân Gerbersau(2) đều biết, mặc dù giờ đây không có ai muốn kể và muốn nghe về nó nữa. Đó là sự kiện về việc hứa hôn của ông.

ở trường học cậu thiếu niên Andreas thực sự có ác cảm với bất cứ lời nói và sự giao tiếp nào, cậu ta nhận thấy mình là người thừa ở khắp mọi nơi, bị mọi người để ý, nhút nhát, khá nhún nhường trong việc ngả theo mọi người trước và trong việc quét dọn lớp học. Cậu ta cảm thấy một sự kính trọng sâu sắc trước các thầy, cô giáo, một nỗi sợ sệt mơ hồ kèm theo sự thán phục trước bạn bè. Không bao giờ người ta nhìn thấy cậu đàn đúm ở ngoài ngõ và ở các chỗ vui chơi dành cho trẻ em, rất hiếm khi trông thấy cậu tắm ở sông, trong mùa đông cậu rùng mình và cúi đầu xuống, ngay khi cậu ta nhìn thấy một chú bé bốc lên một nắm tuyết. Tuy nhiên cậu chơi ở nhà một cách vui vẻ, nhẹ nhàng với những con búp bê của chị gái cậu để lại sau khi bị chết và cậu ta chơi ở một cửa hiệu, trên cái cân bán hàng cậu cân bột, muối và cát, đóng gói thành những túi nhỏ, để sau này lại đổi chúng cho nhau, trút hết ra, đóng gói lại và lại cân. Cậu ta cũng thích giúp mẹ mình làm việc vặt trong nhà, chạy đi mua cái này cái nọ cho bà ấy hoặc tìm những con sên dưới những khóm rau xà lách trong khu vườn nhỏ.

Mặc dầu những người bạn học thường quấy rối, trêu ghẹo cậu, nhưng vì cậu ta không nổi giận và hầu như hoàn toàn không bực mình, nên nói chung cậu ta vẫn có một cuộc sống vô tư, khá vui vẻ. Cậu ta tặng cho những con búp bê của mình những gì mà cậu không tìm thấy trong tình bạn và tình cảm ở những người giống cậu và không thể trao đi. Cậu ta đã sớm mất cha, cậu là đứa trẻ sinh sau đẻ muộn, có lẽ mẹ cậu đã muốn cậu khác biệt, thậm chí để cho cậu muốn làm gì thì làm và dành cho sự quấn quýt ngoan ngoãn của cậu ta một tình yêu có phần thương xót.

Tuy nhiên tình trạng tàm tạm này chỉ kéo dài cho đến khi cậu Andreas bé nhỏ học xong ở trường phổ thông và kết thúc thời gian học nghề, thời gian mà cậu phục vụ trong cửa hàng của ông Dierlamm ở chợ Thượng. Vào thời gian này, từ lúc cậu khoảng mười bảy tuổi, tâm hồn khao khát những sự dịu dàng của cậu bắt đầu thay đổi. Chàng thanh niên Andreas bé nhỏ và còn nhút nhát bắt đầu nhìn các cô gái bằng đôi mắt càng ngày càng to lên và đặt trong tim mình một bệ thờ tình yêu của đàn bà, ngọn nến của nó bừng cháy càng cao thì những sự say đắm của cậu ta càng buồn bã trôi đi.

Cậu có nhiều cơ hội để làm quen và ngắm nhìn các cô gái ở mọi lứa tuổi, vì sau khi kết thúc thời gian học nghề của mình chàng Ohngelt trẻ tuổi vào làm việc trong cửa hiệu bán vải lanh của cô mình mà sau này cậu ta cần phải tiếp nhận. Ngày ngày những đứa trẻ, những cô học sinh, những cô gái trẻ, những cô gái lỡ thì và những người đàn bà đến đó, tìm kiếm trong các túm dải ruy băng, trong các chồng vải lanh, chọn ra những dải viền và những mẫu vải thêu, khen ngợi, chê bai, mặc cả và muốn được tư vấn, nhưng lại không nghe theo lời khuyên của người bán hàng, mua và đổi lại thứ đã mua. Ohngelt cùng làm mọi việc một cách im lặng và cẩn thận. Cậu ta kéo các ngăn kéo ra, leo lên và leo xuống cái thang đứng, cho khách xem các loại vải sau đó đóng lại, ghi chép việc đặt hàng, thông báo giá cả, và mỗi tuần cậu ta phải lòng một cô gái trong số các khách hàng nữ. Cậu bẽn lẽn ca ngợi len và các dải viền, run run kí nhận số tiền ghi trên các hoá đơn, trống ngực đập cậu thình thịch trong lúc cậu ta giữ cánh cửa của cửa hiệu, chào và mời khách sớm trở lại mua hàng, khi một cô gái xinh đẹp rời khỏi cửa hiệu một cách kiêu kì.

Để thật hấp dẫn và đáng yêu đối với những người đẹp đến mua hàng cậu ta làm quen với những lối sống cầu kì, tinh tế. Mỗi sáng cậu chải mái tóc vàng hoe của mình một cách cẩn thận nhất, giữ đồ lót và quần áo rất sạch sẽ và kiên nhẫn chờ đợi sự xuất hiện dần dần của bộ ria mép nhỏ. Cậu học cách cúi mình một cách lịch sự khi chào đón khách, học cách chống tay xuống quầy bán hàng bằng mu bàn tay trái khi giới thiệu với khách các loại vải, học cách đứng dồn trọng tâm vào một chân và luyện tập tất cả những việc đó cho thành thạo cùng với nụ cười mà chẳng bao lâu cậu ta đã tập luyện được từ nụ cười dè dặt thành nụ cười chân thành, đáng yêu. Ngoài ra cậu luôn cố nói những câu nói mới, văn vẻ, chủ yếu là bao gồm các trạng từ. Cậu luôn nghĩ ra, học thuộc những trạng từ mới, tinh tế hơn của chúng. Vì cậu ta vụng về, nhút nhát khi nói chuyện từ lúc còn ở nhà và từ lâu cậu chỉ hiếm khi nói được một câu hoàn chỉnh có chủ ngữ, vị ngữ nên bây giờ cậu tìm thấy một sự hỗ trợ trong vốn từ khác thường này, tập cho quen với việc diễn tả một thói quen của khả năng nói chuyện bằng cách từ bỏ ý nghĩa, sự dễ hiểu của câu nói để đánh lừa bản thân và những người khác.

Nếu ai đó nói: “Thời tiết hôm nay thật đẹp”, thì cậu thanh niên Ohngelt bé nhỏ trả lời: “Dĩ nhiên – đương nhiên – hẳn nhiên – tất nhiên -.” Nếu một khách hàng nữ hỏi, một loại vải lanh nào đó có thực sự bền hay không, thì cậu ta nói: “Đúng đấy – nhất định – không nghi ngờ gì – có thể cho là như vậy – hoàn toàn chắc chắn.” Và nếu ai đó thăm dò ý kiến bình phẩm của cậu, thì cậu ta đáp: “Rất cám ơn – tất nhiên rồi – rất hân hạnh -.” Trong những tình huống trang trọng, lịch sự cậu ta cũng không e ngại trước những cách diễn đạt như “hết sảy, hết ý, cực đỉnh”. Đồng thời toàn thân cậu ta từ cái đầu đã được cúi xuống cho đến đầu bàn chân đang động đậy nói lên tất cả sự nhã nhặn, lịch thiệp và cách biểu lộ. Nhưng cái cổ tương đối dài, gầy guộc, gân guốc của cậu có một cục hầu rất to, luôn đưa lên đưa xuống khi cậu ta nói, cho thấy cách biểu lộ đầy đủ nhất. Nếu anh chàng giúp việc Andreas đang uể oải đưa ra một trong những câu trả lời khó nghe của mình thì người ta có cảm tưởng thanh quản của cậu ta sắp bị liệt.

Tạo hoá không phân chia những quà tặng của mình một cách vô nghĩa, và nếu cái cổ to, thiếu cân đối của Ohngelt cần hỗ trợ cho khả năng nói chuyện của cậu ta thì nó càng có lí do là tài sản và hình ảnh của một ca sĩ bốc lửa. Andreas rất thích hát. Có lẽ trong tận cùng của tâm hồn cậu ta cảm thấy những âm thanh trong lời tán tụng hay nhất, trong lời tư vấn khéo léo nhất dành cho khách hàng, và trong tiếng “hết sảy”, “hết ý” mùi mẫn nhất cũng không thật êm ái như khi hát. Năng khiếu này vẫn chưa bộc lộ trong thời còn đi học, nhưng ngày càng bộc lộ rõ ra sau khi cậu ta vỡ giọng hoàn toàn, mặc dù chỉ có mình cậu biết. Vì điều đó không thích hợp với sự e thẹn, rụt rè, nhút nhát của Ohngelt, cho nên cậu ta chỉ vui mừng về năng khiếu và sự hứng thú thầm kín của mình một cách sâu kín nhất.

Vào buổi tối, nếu sau khi ăn tối xong cho đến lúc đi ngủ mà cậu ở lại trong phòng của mình khoảng một tiếng đồng hồ thì cậu hát những bài hát mà cậu thuộc trong bóng tối và tận hưởng những sự thích thú thi vị. Cậu ta có chất giọng khá cao, và cậu cố gắng hát những gì mà cậu đã học được trong những giờ học hát ở trường một cách say sưa. Mắt cậu nhoà đi trong ánh sáng lờ mờ, cái đầu đã được rẽ ngôi ngay ngắn ngửa ra sau, và cục hầu đưa lên đưa xuống cùng với các âm thanh. Bài hát yêu thích của cậu là bài Khi những con chim én bay về. Giọng cậu ta ngân dài, run run ở đoạn sự chia li, ôi! sự chia li đớn đau và sau đó mắt cậu ngấn lệ.

Cậu ta tiến nhanh trên bước đường kinh doanh. Đã có kế hoạch cử cậu đến một thành phố lớn hơn một vài năm. Nhưng giờ đây cậu đã sớm trở thành người không thể thiếu được trong cửa hiệu của bà cô cho nên bà ấy không còn muốn để cậu ra đi, và sau này khi cậu ta cần phải tiếp nhận cửa hiệu theo thừa kế thì hạnh phúc bề ngoài của cậu sẽ mãi mãi được bảo đảm. Điều đó trái ngược với nỗi buồn trong tim cậu. Đối với tất cả những cô gái cùng lứa tuổi với cậu, đặc biệt là đối với những cô gái xinh xắn, cậu chỉ là một gã kì quặc bất chấp những cái nhìn và sự cúi chào của cậu. Cậu lần lượt phải lòng tất cả bọn họ, và cậu muốn cưới bất kể cô gái nào chỉ bước một bước lại gần cậu. Nhưng không có cô nào đến gần cậu, mặc dù dần dần cậu ta đã làm phong phú cách nói của mình cho những câu nói văn vẻ nhất và cách ăn diện của mình cho những tình huống đáng yêu nhất.

Đương nhiên có một ngoại lệ mà hầu như chỉ có mình cậu ta nhận thấy. Cô Paula Kircher, vẫn được gọi là Paula bé nhỏ, đã luôn niềm nở đối với cậu và có vẻ tôn trọng cậu. Tất nhiên cô ta không trẻ mà cũng không xinh, đúng hơn là già hơn cậu một vài tuổi và khá chất phác, nhưng lại là một cô gái tháo vát, được nể vì, xuất thân từ một gia đình thợ thủ công khá giả. Nếu Andreas chào cô ở trên đường phố thì cô ta đáp lại một cách niềm nở, nghiêm trang, và nếu cô ta vào cửa hiệu bán vải lanh thì cô ta tươi cười, lễ độ, khiêm nhường, dễ dàng chấp nhận sự phục vụ và vui vẻ nhận lấy sự tận tình, chu đáo của cậu. Vì thế cậu thích gặp cô ta và tin cậy cô, nhưng cô ta cũng rất thờ ơ đối với cậu, cô ta thuộc số ít các cô gái chưa chồng mà cậu không nghĩ đến ngay sau khi cô ta rời khỏi cửa hiệu.

Cậu đặt hy vọng của mình khi thì vào đôi giầy mới, bóng lộn, khi thì vào một chiếc khăn quàng cổ xinh xắn, đặc biệt là vào bộ ria mép đang dần dần mọc ra mà cậu giữ gìn như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Cuối cùng Andreas cũng còn mua cho mình một cái nhẫn bằng vàng có đính một viên đá mắt mèo to của một thương gia đang đi du lịch. Lúc đó anh ta hai mươi sáu tuổi.

Nhưng khi anh ta bước vào tuổi ba mươi và vẫn chưa tìm được nhân duyên thì mẹ và cô của anh ta cho là cần phải ra tay giúp. Bà cô, người đã khá cao tuổi, bắt đầu loan báo, bà ta muốn giao lại cửa hiệu cho Andreas khi bà còn sống, tuy nhiên chỉ vào ngày anh ta kết hôn với một cô gái Gebersau đứng đắn. Bà mẹ cũng phát đi tín hiệu như thế. Sau nhiều lần cân nhắc bà đi đến quyết định, con trai bà cần phải gia nhập một câu lạc bộ để hoà nhập với xã hội nhiều hơn và để học cách giao tiếp với phụ nữ. Có lẽ vì bà đã biết tình yêu của con trai mình dành cho nghệ thuật ca hát nên qua đó bà nghĩ cách nhử anh ta và giới thiệu anh ta đăng kí làm thành viên ở nhóm hát.

Nói chung Andreas đồng ý bất chấp sự nhút nhát của anh ta trước việc hội họp đông vui. Nhưng anh ta đề nghị được gia nhập nhóm hát thánh ca thay vì nhóm hát thông thường, vì anh ta thích âm nhạc nghiêm trang hơn. Nhưng lí do thực sự là Magret Dierlamm tham gia vào nhóm hát thánh ca. Cô gái này là con gái của ông chủ cửa hàng, nơi trước đây Ohngelt đã học nghề, một cô gái rất xinh đẹp, vui nhộn, và vừa mới đây Andreas đã phải lòng cô ấy, vì từ lâu đã không còn các cô gái độc thân cùng lứa tuổi để anh ta yêu, đương nhiên là không còn các cô gái xinh đẹp.

Bà mẹ hoàn toàn không có lí do phản đối việc Andreas gia nhập nhóm hát thánh ca. Mặc dù nhóm này có quá ít các buổi tối họp mặt vui vẻ và các cuộc hội hè so với nhóm hát thông thường, nhưng phí để trở thành hội viên lại rẻ hơn nhiều, và ở đó cũng có đủ các cô gái xuất thân từ những gia đình khá giả, Andreas có thể gặp gỡ với họ trong các buổi tập hát và biểu diễn. Cho nên ngay lập tức cùng với anh con trai bà ta đi đến chỗ ông nhóm trưởng, một thầy giáo già, người mà đón tiếp họ một cách niềm nở.

“Nào, anh Ohngelt”, ông ta nói, “anh muốn trở thành thành viên ở nhóm chúng tôi phải không?”

“Vâng, đương nhiên rồi, xin bác-.”

“Trước đây anh đã hát rồi chứ?”

“Vâng, tất nhiên! Thực sự thì-“

“Nào, bây giờ tôi kiểm tra. Anh hãy hát một bài nào đó mà anh thuộc.”

Mặt Ohngelt đỏ ửng vì ngượng ngùng và anh ta hoàn toàn không muốn bắt đầu hát. Nhưng thầy giáo kiên nhẫn chờ anh ta hát và cuối cùng gần như nổi giận, do đó anh ta thực sự vượt qua được sự e ngại của mình và cất giọng với một cái nhìn nhẫn nhục về phía bà mẹ đang ngồi im lặng ở đó. Điều đó khích lệ anh ta, và anh ta hát trôi chảy câu đầu tiên.

Thầy giáo trong vai trò người chỉ huy đội hợp xướng ra hiệu rằng Ohngelt hát đủ rồi. Ông ta lại rất lịch sự và nói, đương nhiên bài hát đã được hát rất hay và người ta nhận thấy là Ohngelt có chất giọng đằm thắm, nhưng có thể anh ta còn có năng khiếu nhiều hơn về âm nhạc thế tục, cho dù anh ta không muốn hát thử ở nhóm hát thông thường. Anh chàng Ohngelt chỉ ấp úng, thẹn thùng đáp lại, vì bà mẹ cố gắng khích lệ anh ta. Bà ta nghĩ, con trai mình hát thực sự hay, chỉ có điều còn hơi ngượng ngùng, và bà ta sẽ rất vui, nếu thầy giáo kết nạp con bà, nhóm hát thông thường đương nhiên là hơi khác và không sang trọng lắm, năm nào bà ta cũng quyên góp cho nhà thờ, và chắc chắn, nếu ông thầy muốn con bà hát thật tốt, ít nhất là trong thời gian hát thử, thì sau đó nhất định người ta sẽ nhận ra năng khiếu của con bà. Ông giáo già còn cố hai lần an ủi rằng, hát thánh ca không vui và rằng dù sao đi nữa bục biểu diễn đã rất chật, nhưng rốt cuộc sự ăn nói khôn khéo của bà Ohngelt vẫn thắng. Người chỉ huy đội hợp xướng già cả chưa hề thấy một người đàn ông trên ba mươi xin làm thành viên và mẹ của anh ta đã mang anh ta theo để xin hộ. Mặc dù sự tăng thêm người này trong đội hợp xướng của ông ta là khác thường và thực sự phiền phức đối với ông ta thì sự việc vẫn mang lại cho ông một sự thú vị trong thâm tâm, dẫu cho không do âm nhạc mang lại. Ông ta mời Andreas đến tập vào buổi tập gần nhất và khiến cho hai mẹ con mỉm cười ra về.

Vào buổi tối ngày thứ tư chàng Ohngelt bé nhỏ xuất hiện đúng giờ ở phòng tập hát, nơi các buổi tập diễn ra. Mọi người đang tập luyện một bài thánh ca cho lễ Phục sinh. Các nam, nữ ca viên đang đến dần chào thành viên mới một cách rất niềm nở, tất cả đều có một thái độ vui vẻ, hồ hởi, để Andreas cảm thấy vui. Magret Dierlamm cũng ở đó, và cô ta cũng gật đầu chào thành viên mới với một nụ cười niềm nở. Có lẽ thỉnh thoảng Andreas nghe thấy những tiếng cười nhỏ ở đằng sau mình, tuy nhiên vì anh ta chắc chắn đã quen với việc được tiếp đón một cách hơi khác lạ cho nên anh ta không lúng túng. Nhưng điều làm anh ta sửng sốt là cách cư xử khiêm nhường, từ tốn của cô Paula bé nhỏ, người mà cũng có mặt ở đó và thậm chí là một trong những nữ ca viên được yêu mến, như anh ta đã sớm nhận ra. Cô ấy đã thường biểu lộ một sự niềm nở vui vẻ đối với anh ta, và giờ đây cô ấy đang lạnh lùng một cách lạ thường, gần như có vẻ cảm thấy bực bội với việc anh ta đã xin vào ca đoàn. Nhưng cô Paula bé nhỏ có liên quan gì đến anh ta?

Khi hát Ohngelt cư xử hết sức thận trọng. Chắc là từ thuở đi học anh ta vẫn biết chút ít về nhạc lý, một số nhịp anh ta khe khẽ hát chậm hơn những người khác, nhưng nói chung anh ta cảm thấy kỹ thuật hát của mình không được tốt lắm và lo lắng, hoài nghi về việc khi nào đó điều đó có khác đi hay không. Ông chỉ huy đội hợp xướng đã động lòng, cười sự nhút nhát của anh ta, quan tâm đến anh ta và khi ra về thậm chí còn nói: “Dần dần anh sẽ hát được thôi, nếu như anh cố gắng.” Nhưng cả buổi tối Andreas vui mừng về việc được ở gần Margret và được thường xuyên ngắm nhìn cô ấy. Anh ta nghĩ đến việc những người hát giọng tênô được sắp xếp đứng ngay đằng sau các cô gái ở trên bục biểu diễn trước và sau buổi dâng thánh lễ khi hát chính thức, tưởng tượng ra niềm vui sướng được đứng thật gần cạnh cô Dierlamm vào dịp lễ Phục sinh cũng như vào tất cả những dịp tiếp theo và có thể mạnh dạn chiêm ngưỡng cô ấy. Lúc đó anh ta sực nhớ đến nỗi khổ tâm của mình, vì anh ta đã lớn lên thấp bé và khi đứng giữa các nam ca viên anh ta có thể hoàn toàn không nhìn thấy gì. Bằng sự nỗ lực lớn và nói ấp úng nhiều lần anh ta trình bày sự bất lợi sắp tới của mình ở trên bục biểu diễn với một người trong số những nam ca viên, dĩ nhiên là không nêu ra lí do thực sự trong nỗi khổ tâm của anh ta. Khi đó người bạn hát cười làm anh ta yên tâm và cho rằng cậu ta chắc chắn có thể giúp anh ta có được chỗ đứng đẹp.

Sau buổi tập hát tất cả đều vội vã ra về, đến nỗi mọi người hầu như không chào nhau. Một vài chàng trai đưa các cô gái về nhà, những người khác cùng nhau đi uống bia. Ohngelt buồn bã đứng lại một mình ở chỗ trước phòng tập hát tối om, nhìn theo những người khác và chủ yếu là im lặng nhìn theo Margret, khuôn mặt anh ta lộ vẻ thất vọng, lúc đó cô Paula bé nhỏ đi ngang qua chỗ anh ta đứng, và khi anh ta ngả mũ chào, cô ấy nói: “Anh về nhà chứ? Thế thì nhất định chúng ta đi cùng đường và có thể đi cùng nhau.” Anh ta đồng ý với lòng biết ơn và đi bên cạnh cô ấy về nhà qua các ngõ hẻm ẩm ướt, trong cái lạnh tháng Ba mà không nói chuyện với cô ấy cũng như chúc cô ấy ngủ ngon.

Ngày hôm sau Margret Dierlamm vào cửa hiệu bán vải lanh, và anh ta có dịp phục vụ cô ấy. Anh ta nhẹ nhàng sờ từng loại vải, như thể chúng là hàng tơ lụa, cầm lấy một cái thước như một cái cung kéo vĩ cầm, anh ta gửi tình cảm và sự lịch thiệp vào mỗi cử chỉ phục vụ nhỏ, cố gắng im lặng chờ đợi cô ấy nói một lời về hôm qua, về câu lạc bộ và về buổi tập hát. Quả nhiên cuối cùng cô ấy đã nói. Ngay khi ra đến cửa cô ta hỏi: “Anh Ohngelt, em đã rất ngạc nhiên là anh cũng gia nhập câu lạc bộ. Anh hát thánh ca lâu rồi chứ?” Và trong khi anh ta còn đang bẽn lẽn thốt ra: “Vâng – chính xác là – nếu cô cho phép” thì cô ấy đã khẽ gật đầu chào biến mất vào trong ngõ.

“Ôi! Thật tuyệt!” anh ta ngẫm nghĩ và vẽ ra những mộng tưởng hão huyền, tuy nhiên trong khi bầy hàng lần đầu tiên trong đời mình anh ta nhầm lẫn những dải viền bằng len pha với những dải viền bằng len nguyên chất.

Trong khi đó mùa Phục sinh ngày càng đến gần, và vì ca đoàn của nhà thờ phải hát cả vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh lẫn vào ngày Chủ nhật Phục sinh nên trong tuần có nhiều buổi tập. Ohngelt luôn luôn đến đúng giờ và cố gắng hết sức không hát sai chỗ nào, những nỗ lực của anh ta cũng được mọi người thừa nhận. Chỉ có cô Paula bé nhỏ có vẻ không hài lòng lắm với anh ta, và điều đó làm anh ta không vui, vì rốt cục cô ấy vẫn là cô gái duy nhất mà anh ta hoàn toàn tin cậy. Anh ta cũng đều đặn đi bên cạnh cô ấy về nhà, bởi vì việc xin phép được đi cùng Margret về có lẽ luôn là dự định và mong muốn thầm kín của anh ta, tuy nhiên anh ta không hề tìm thấy lòng can đảm để làm việc đó. Vì vậy anh ta chỉ đi cùng cô Paula bé nhỏ. Những lần đầu anh ta không nói gì trên đường về nhà. Lần gần đây nhất cô Kircher đã trách móc anh ta và hỏi tại sao anh ta lầm lì như vậy, có phải anh ta sợ cô hay không. “Không”, anh ta rụt rè nói ấp úng, “điều đó thì không – nói đúng hơn – chắc chắn không – trái lại.”

Cô ấy cười khẽ và hỏi: “Thế còn việc hát thánh ca thế nào? Anh có thấy vui không?”

“Dĩ nhiên là vui rồi – rất vui – tất nhiên là có.”

Cô ấy lắc đầu và nói khẽ hơn: “Anh Ohngelt, thực sự là em không thể nói chuyện với anh được à? Thậm chí anh né tránh mọi câu hỏi.”

Anh ta bẽn lẽn nhìn cô ấy và nói lắp bắp.

“Em chỉ muốn nói điều gì đó tốt đẹp”, cô ấy nói tiếp. “Anh không tin à?”

Anh ta gật đầu lia lịa.

“Vậy cớ sao anh lại không thể nói gì?”

“Có chứ, tôi có thể mà, đương nhiên – dĩ nhiên.”

“Đương nhiên và dĩ nhiên, thế thì tốt rồi. Anh hãy nói xem, vào buổi tối anh cũng nói chuyện với mẹ và cô của anh một cách bình thường chứ, hay là không? Vậy thì anh cũng làm việc đó với em và những người khác đi. Sau đó chúng ta chắc chắn có thể nói chuyện một cách bình thường. Anh không muốn à?”

“Có chứ, tất nhiên là tôi muốn – đương nhiên -“

“Thế thì tốt rồi, anh thật lịch thiệp. Bây giờ thì em có thể nói chuyện với anh một cách thực sự. Bởi vì em có đôi điều muốn nói.”

Và thế là cô ấy nói chuyện với anh ta, khi mà anh ta không quen với điều đó. Cô ấy hỏi anh ta tìm kiếm điều gì ở ca đoàn trong khi rõ ràng là anh ta không thể hát thánh ca và ở nơi mà hầu như chỉ có những người trẻ hơn anh ta. Và liệu anh ta có nhận thấy là thỉnh thoảng mọi người ở đó chế nhạo anh ta hay không, đặc biệt là về thân hình của anh ta. Nhưng nội dung câu chuyện của cô ấy càng hạ thấp anh ta thì anh ta cảm thấy ý tốt và có thiện chí trong lời khuyên của cô ấy càng chân thành. Hơi buồn bã anh ta lưỡng lự, không biết nên lạnh lùng bác bỏ hay thành thật cảm ơn. Lúc đó họ đã ở trước nhà của Kircher, cô ấy bắt tay anh ta và nói một cách thật lòng:

“Chúc anh ngủ ngon, anh Ohngelt, anh đừng giận em vì điều đó nhé. Lần sau chúng ta nói chuyện tiếp, được không?”

Anh ta bối rối đi về nhà, và anh ta rất buồn rầu khi nghĩ đến sự bộc bạch của cô ấy, vì vậy điều mới mẻ và an ủi đối với anh ta là có một người đã nói chuyện với anh ta một cách rất thân mật, chân thành và cởi mở.

Trên đường về từ buổi tập hát kế tiếp anh ta đã có thể nói chuyện khá nhiều một cách bình thường, như khi nói ở nhà với mẹ, điều đó đã khích lệ sự can đảm và niềm hy vọng của anh ta. Trong buổi tối ngày hôm sau nữa anh ta đã cố thổ lộ, thậm chí còn bóng gió nhắc đến cô Dierlamm, vì anh ta trông chờ vào điều không thể ở sự hiểu biết và giúp đỡ của cô Paula bé nhỏ. Nhưng cô ấy không để cho anh ta nói thêm. Cô ấy bất ngờ cắt ngang lời anh ta và nói: “Anh định lấy vợ, đúng không? Và đó là việc quan trọng nhất mà anh có thể làm. Anh thực sự lớn tuổi rồi.”

“Đương nhiên là tôi đã lớn tuổi”, anh ta buồn rầu nói. Nhưng cô ta chỉ cười, và anh ta thất vọng đi về nhà. Lần sau nữa anh ta lại nói về việc này. Cô Paula bé nhỏ chỉ nói, nhất định anh ta cần phải biết anh ta muốn cưới ai; chỉ có điều việc anh ta tham gia vào ca đoàn có thể không có lợi ích gì cho anh ta, bởi vì nói chung các cô gái trẻ dễ dàng chấp nhận mọi thứ khác hơn là chấp nhận sự nực cười ở người mình yêu.

Cuối cùng những nỗi khổ tâm mà những lời nói đó đã gây ra cho anh ta nhường chỗ cho sự hồi hộp và công việc chuẩn bị cho ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày mà lần đầu tiên Ohngelt được hát trong đội hợp xướng ở trên bục biểu diễn. Vào sáng ngày hôm đó anh ta ăn mặc rất cẩn thận, đầu đội mũ hình trụ và đến nhà thờ đúng giờ. Sau khi anh ta được sắp xếp chỗ đứng, anh ta quay sang nhờ người bạn hát đã hứa giúp anh ta có chỗ đứng đẹp một lần nữa. Quả nhiên người bạn hát này tỏ ra đã không quên việc đó, cậu ta ra hiệu cho người chơi đàn đại phong cầm, và người này cười tủm mang đến một cái hòm nhỏ, nó được đặt xuống chỗ đứng của Ohngelt và anh chàng Ohngelt nhỏ được bế lên đó, cho nên bây giờ anh ta đang tận hưởng những lợi thế ấy trong khi nhìn và được nhìn thấy như những người hát giọng tênô cao lớn nhất. Chỉ có điều việc đứng bằng cách này là khó nhọc và nguy hiểm, anh ta cần phải giữ thăng bằng thật tốt và toát cả mồ hôi khi nghĩ đến việc anh ta có thể bị ngã và rơi xuống chỗ các cô gái được bố trí đứng ở sát lan can với hai chân bị gãy, vì phần nhô ra của bục biểu diễn bên dưới các bậc đứng hẹp, rất nghiêng hướng ra gian giữa của nhà thờ cong xuống. Nhưng anh ta vui mừng về việc có thể nhìn vào gáy của cô Margret Dierlamm xinh đẹp từ khoảng cách rất gần. Lúc việc hát thánh ca và dâng thánh lễ kết thúc anh ta cảm thấy kiệt sức và thở phào nhẹ nhõm, trong khi đó các cánh cửa đã được mở ra và những chuông nhà thờ đã được kéo.

Ngày hôm sau cô Paula bé nhỏ trách móc anh ta rằng tư thế đứng ở trên cái hòm, bị gò bó của anh trông rất tệ và làm cho anh ta trở nên lố bịch. Anh ta hứa sau này sẽ không hổ thẹn vì thân hình nhỏ bé của mình nữa, tuy nhiên ngày mai anh ta muốn dùng đến cái hòm nhỏ ấy một lần cuối cùng trong lễ Phục sinh chỉ để không làm mếch lòng người đàn ông đã cho anh ta mượn nó. Cô ấy không dám nói, phải chăng anh ta không nhận ra là người đàn ông ấy chỉ mang cái hòm lại để lấy anh ta ra làm trò đùa. Cô ta lắc đầu không ngăn cản anh ta làm việc đó và rất bực mình về sự chậm hiểu của anh ta đồng thời cũng xúc động về sự chất phác của anh.

Vào ngày Chủ nhật Phục sinh ca đoàn hát ở mức độ khó hơn so với lần hát trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Một bài hát khó thể hiện được trình diễn, và Ohngelt can đảm giữ thăng bằng ở trên cái bệ của mình. Nhưng khi sắp hát xong bài thánh ca anh ta hoảng sợ cảm thấy rằng chỗ đứng chông chênh ở dưới đế giày của anh ta bắt đầu tròng trành và trở nên chao đảo. Anh ta hoàn toàn không thể làm gì ngoài việc đứng yên và nếu có thể thì tránh bị ngã xuống bục biểu diễn. Cuối cùng anh ta đã làm được điều đó, và thay vì bị bêu riếu và bị tai nạn đã không có gì xảy ra, cho nên anh ta chậm chạp hạ người xuống trong tiếng khẽ kêu răng rắc của chiếc hòm và cúi đầu xuống với khuôn mặt đầy lo sợ biến mất khỏi tầm nhìn. Người chỉ huy đội hợp xướng, gian giữa của nhà thờ và cái gáy xinh đẹp của cô nàng tóc vàng Margret lần lượt biến khỏi mắt anh ta, tuy thế anh ta tụt xuống dưới một cách bình an vô sự, và ngoài những người bạn hát đang cười chế nhạo chỉ một số học sinh nam ngồi gần bục biểu diễn ở trong nhà thờ đã nhìn thấy sự việc. Bài thánh ca phục sinh đầy nghệ thuật rộn ràng, thánh thót vang xa khỏi chỗ anh ta tụt xuống.

Dân chúng rời khỏi nhà thờ khi người chơi đàn đại phong cầm chơi bản nhạc cuối cùng, ca đoàn còn cùng nhau ở lại trên bục biểu diễn để nghe dặn dò đôi điều, vì ngày mai, vào ngày Thứ Hai Phục sinh, một chuyến tham quan của ca đoàn nhân dịp lễ hội cần được thực hiện như mọi năm. Ngay từ đầu Andreas Ohngelt đã đặt nhiều kỳ vọng lớn vào chuyến tham quan này. Thậm chí giờ đây anh ta còn mạnh dạn hỏi cô Dierlamm rằng cô ấy có ý định đi cùng hay không, và anh ta đã nói ra câu hỏi một cách trôi chảy.

“Có, chắc chắn là em đi cùng”, cô gái xinh đẹp lạnh lùng nói, và sau đó cô ta nói thêm: “À mà này, lúc nãy anh không tự làm mình đau đấy chứ?” Đồng thời cô ấy cố nhịn cười, đến nỗi cô ấy không thể đợi anh ta trả lời và chạy đi. Trong khoảnh khắc ấy cô Paula bé nhỏ đưa mắt nhìn bằng một cái nhìn thương hại và nghiêm nghị làm tăng sự bối rối của Ohngelt. Sự can đảm bùng lên ngắn ngủi của anh ta lại nhanh chóng bị dập tắt, và nếu anh ta đã không nói với mẹ mình về chuyến tham quan cũng như bà ta đã không đòi đi cùng thì giờ đây anh ta sẵn sàng từ bỏ chuyến đi, từ bỏ câu lạc bộ và từ bỏ mọi hy vọng của mình.

Bầu trời ngày Thứ Hai Phục Sinh trong xanh và đầy nắng, vào lúc hai giờ chiều hầu như tất cả các thành viên của ca đoàn đã tập trung cùng với người nhà và những người khác cùng đi tham quan ở trong thành phố tại đại lộ Laerchen. Ohngelt đi cùng mẹ. Vào buổi tối hôm trước anh ta đã tâm sự với bà ấy rằng anh ta yêu say đắm Margret, tuy rằng có ít hy vọng, nhưng anh ta vẫn còn hơi trông đợi vào sự giúp đỡ của mẹ và vào buổi chiều đi tham quan. Mặc dù bà ấy vui mừng nếu như anh con trai bé nhỏ của bà có được điều tốt đẹp nhất thì đối với bà ấy Margret có vẻ vẫn còn quá trẻ và quá xinh đẹp so với Ohngelt. Tuy nhiên bà ấy có thể thử giúp con mình; điều cốt yếu là Andreas sớm có vợ, cũng vì việc anh ta sẽ có cửa hiệu.

Mọi người xuất phát mà không có tiếng hát, vì con đường rừng dẫn lên núi khá dốc và khó đi. Tuy thế bà Ohngelt tập trung tư tưởng và giữ hơi thở đều đặn để trước hết đưa ra những lời chỉ bảo cuối cùng cho con trai mình cần phải làm gì trong những giờ tiếp theo và sau đó bắt đầu nói chuyện cởi mở với bà Dierlamm. Mẹ của Margret được nghe một loạt chuyện vui và hấp dẫn trong khi bà ấy cố giữ hơi để đáp lại những lúc cần thiết nhất trong khi leo núi. Bà Ohngelt bắt đầu câu chuyện bằng việc nói về thời tiết tuyệt vời, tiếp đến là chuyển sang nói về thánh nhạc, khen bà Dierlamm có một vẻ ngoài đầy sức sống và tấm tắc về chiếc váy mùa xuân của Margret, bà ấy nói lâu hơn về các cách ăn mặc và cuối cùng nói về sự phát đạt mà cửa hiệu bán vải lanh của em gái chồng mình có được trong những năm gần đây. Bà Dierlamm không thể nói được gì ngoài việc cũng khen ngợi chàng trai trẻ Ohngelt, người cho thấy có rất nhiều sở thích và khả năng kinh doanh, điều mà chồng bà đã nhận ra và ca ngợi trước đây nhiều năm trong thời gian học nghề của Andreas. Bà Ohngelt vui sướng đáp lại sự tâng bốc này bằng một tiếng thở dài nhẹ nhõm. Bà ấy nói: Dĩ nhiên, Andreas thạo việc và sẽ còn tiến bộ hơn nữa, cửa hiệu bán vải lanh đáng tự hào cũng đã gần như là của nó, nhưng điều đáng tiếc là nó nhút nhát trước phụ nữ. Về phần nó không thiếu ham muốn và cả những đức tính tuyệt vời cho việc kết hôn, nhưng có lẽ thiếu lòng tin và quyết tâm.

Bây giờ bà Dierlamm bắt đầu an ủi người mẹ đang lo lắng cho con, và khi bà ấy đồng thời cũng nghĩ xa xôi đến con gái mình thì bà ấy thậm chí còn ấy quả quyết rằng một cuộc kết hôn với Andreas chắc chắn là điều đáng mong muốn cho bất cứ cô gái chưa chồng nào của thành phố. Bà Ohngelt nở từng khúc ruột khi nghe những lời này.

Trong khi đó ở đằng xa Margret vội vàng đi lên phía trước cùng với những người trẻ khác của câu lạc bộ, Ohngelt cũng nhập bọn với toán nhỏ này của những người trẻ nhất và vui tính nhất, mặc dù anh ta cố gắng đi theo bằng đôi chân ngắn của mình.

Tuy nhiên mọi người rất niềm nở đối với anh ta, vì đây là cơ hội tốt để những người hay đùa này lấy anh chàng bé nhỏ nhút nhát cùng với đôi mắt đa tình của anh ta ra làm trò cười. Cô Margret xinh đẹp cũng tham gia pha trò và thỉnh thoảng hướng sự chú ý của anh chàng Ohngelt si tình vào mình trong khi nói về những điều mà anh ta quan tâm bằng sự nghiêm túc giả vờ, cho nên anh ta mất hết cả bình tĩnh vì sự xúc động trào dâng và những câu nói ấp úng của mình.

Nhưng sự vui mừng kéo dài không lâu. Đương nhiên dần dần anh chàng Ohngelt đáng thương nhận ra rằng mình bị nhạo báng một cách tinh quái, và ngay cả khi anh ta biết cam chịu điều đó thì anh ta vẫn bị hạ gục và lại mất hết hy vọng. Nhưng bề ngoài anh ta cố không để mọi người nhận thấy. Niềm vui của những người trẻ mỗi lúc một tăng lên, và anh ta cố cùng cười càng to thì anh ta nhận ra càng rõ ràng là tất cả những chuyện tiếu lâm và sự ám chỉ đều trực tiếp liên quan đến anh ta. Cuối cùng kẻ sỗ sàng nhất trong đám thanh niên, một gã bán thuốc tây cao lêu đêu, kết thúc những sự trêu chọc bằng một câu bông đùa rất thô lỗ.

Mọi người tình cờ đi ngang qua một cây sồi già xanh tốt, và gã bán thuốc tây chuẩn bị thử xem liệu gã ta có thể với tới cành dưới cùng của cây sồi cao bằng hai tay hay không. Gã ta đứng thẳng người và nhảy nhiều lần lên cao, nhưng không với tới được, và những người đang đứng xung quanh thành nửa vòng tròn bắt đầu chế giễu gã. Lúc đó gã ta chợt nghĩ ra việc lấy lại danh dự cho mình bằng một trò đùa và đưa một người khác vào chỗ gã đang đứng. Bất ngờ gã ta tóm lấy eo lưng anh chàng Ohngelt bé nhỏ, nâng anh ta lên cao, bảo anh ta túm lấy cành cây và đánh đu trên đó. Ohngelt nổi giận và đương nhiên không bằng lòng với điều đó, anh ta đã không sợ bị ngã trong tư thế đang lơ lửng của mình. Cho nên sau đó anh ta túm lấy cành cây và nắm chặt; nhưng ngay sau khi gã bán thuốc tây nhận ra điều này thì gã buông tay ra, và giờ đây trong tiếng cười khoái trá của đám thanh niên Ohngelt bám lơ lửng vào cành cây ở trên cao một cách sợ hãi, đu đưa hai chân và liên tục giận dữ la thét.

“Đỡ tao xuống!” anh ta hét lớn. “Đỡ tao xuống ngay lập tức, đồ quỷ!”

Ohngelt hét lạc cả giọng, anh ta cảm thấy hoàn toàn bị bẽ mặt và nhục nhã ê chề, nhưng gã bán thuốc tây nói rằng bây giờ anh ta phải làm bất cứ điều gì mà gã yêu cầu thì mới được đỡ xuống, và tất cả mọi người đều vỗ tay hoan hô.

“Anh phải chấp nhận điều kiện đấy”, Margret Dierlamm cũng hét lên.

Đương nhiên lúc đó anh ta không thể cưỡng lại.

“Được, được”, anh ta gào lên, “nhưng hãy nhanh lên!”

Lúc này gã bán thuốc tây nói vắn tắt rằng từ ba tuần nay Ohngelt đã là ca viên của ca đoàn nhưng chưa người nào được nghe anh ta hát. Bây giờ anh ta không thể được đỡ xuống trước khỏi vị trí trên cao và nguy hiểm của mình, cho đến khi anh ta đã hát xong một bài hát cho mọi người cùng nghe.

Lúc gã bán thuốc tây vừa mới dứt lời thì Andreas đã bắt đầu hát ngay, vì anh ta cảm thấy mình sắp kiệt sức. Anh ta gần như nức nở cất tiếng hát: “Em còn nhớ đến giờ phút”- và khi chưa hát xong câu đầu của bài hát thì anh ta đã phải buông tay ra và ngã xuống đất với một tiếng thét. Dĩ nhiên giờ đây tất cả mọi người đều sợ hãi, và nếu anh ta bị gãy chân thì đám thanh niên sẽ vô cùng hối hận. Nhưng anh ta đứng dậy với bộ mặt tái mét, tuy nhiên đôi chân còn lành lặn, cầm lấy chiếc mũ của mình đang nằm trên đám rêu ở bên cạnh anh ta, đội nó lên đầu một cách cẩn thận và im lặng bỏ đi – anh ta đi ngược trở lại chính con đường mà họ đã đi. Anh ta ngồi xuống cạnh lề đường ở đằng sau khúc ngoặt gần nhất và cố gắng lấy lại sức.

Gã bán thuốc tây, người mà đã len lén đi theo anh ta với tâm địa xấu xa, tìm thấy anh ta ở đó. Gã lên tiếng xin lỗi mà không nhận được một lời đáp.

“Em thực sự rất lấy làm tiếc”, gã ta khẩn khoản nói một lần nữa, “em hoàn toàn không có ác ý với anh. Xin anh thứ lỗi cho em và hãy trở lại đi cùng bọn em.”

“Được rồi”, Ohngelt nói và xua tay, gã bán thuốc tây thất vọng bỏ đi.

Ít lâu sau nhóm thứ hai của ca đoàn chậm rãi đi đến gần cùng với những người lớn tuổi hơn và cả hai bà mẹ. Ohngelt đi đến chỗ mẹ mình và nói:

“Con muốn đi về.”

“Về nhà á? Tại sao vậy? Có chuyện gì xảy ra à?”

“Không. Nhưng chuyến tham quan thực sự chẳng có ý nghĩa gì. Bây giờ con đã biết được điều đó.”

“Vậy á? Con bị từ chối đính hôn à?”

“Không. Nhưng con biết chắc chắn-“

Bà mẹ ngắt lời Ohngelt và kéo anh ta đi cùng.

“Đừng có nghĩ vớ vẩn! Con hãy đi cùng mẹ, và mọi chuyện sẽ đâu vào đấy. Khi uống cà phê mẹ sẽ bố trí cho con ngồi cạnh Margret, nhớ đấy!”

Anh ta buồn bã lắc đầu, nhưng phục tùng mẹ và đi theo. Cô Paula bé nhỏ cố nói chuyện với anh ta, tuy nhiên cô ta phải ngừng lại, vì anh ta im lặng nhìn ra chỗ khác và có một bộ mặt bực tức, cay đắng, như thể chưa có ai nhìn thấy điều đó ở anh ta.

Sau nửa tiếng đồng hồ ca đoàn đã đến được nơi tham quan, đó là một ngôi làng nhỏ ven rừng, nhà hàng ăn uống của nó nổi tiếng nhờ thứ cà phê thơm ngon, những phế tích của một khu trú ẩn của những kị sĩ cướp đường(3) nằm ở gần đó. Đám thanh niên đã đến trước từ lâu đang chơi những trò chơi vui nhộn ở trong vườn của nhà hàng. Lúc này những cái bàn được khiêng ra và được kê lại gần nhau, những người trẻ mang những chiếc ghế đẩu và ghế băng đến. Khăn bàn mới được trải lên, đồ ăn cùng với những chiếc tách, những cái bình đựng đồ uống, những cái đĩa và bánh ngọt được bày ra. Bà Ohngelt xắp xếp được cho con trai mình ngồi cạnh Margret. Nhưng anh ta không tận dụng lợi thế của mình mà lơ mơ trong cảm giác của sự không may một cách tuyệt vọng, lơ đãng khuấy bằng chiếc thìa ở trong chiếc tách cà phê đang nguội đi và im lặng một cách bướng bỉnh bất chấp việc người mẹ liên tục đưa mắt ra hiệu cho anh ta nói chuyện với Margret.

Sau khi uống xong tách cà phê thứ hai những kẻ bày trò của đám con trai quyết định đi đến khu phế tích nơi trú ẩn của những kỵ sĩ cướp đường thời xưa và chơi các trò chơi ở đó. Những người trẻ gồm cả các cô gái ồn ào đứng dậy. Margret Dierlamm cũng đứng dậy, trong khi đứng dậy cô ấy đưa cho anh chàng Ohngelt đang rầu rĩ ngồi nguyên tại chỗ chiếc túi xách nhỏ đính ngọc trai xinh xắn của mình và nói:

“Anh Ohngelt, anh giữ cẩn thận hộ em cái này nhé, bọn em đi chơi đây.” Anh ta gật đầu và cầm lấy cái túi xách. Việc cô ấy vô tư cho rằng anh ta sẽ ở lại với những người lớn tuổi và không tham gia vào các trò chơi không còn làm cho anh ta ngạc nhiên. Chỉ còn một điều làm cho anh ta ngạc nhiên là ngay từ đầu anh ta đã không nhận ra tất cả mọi chuyện, đó là sự niềm nở lạ lùng của các ca viên đối với mình trong những buổi tập hát, là sự cố của anh ta với chiếc hòm nhỏ và những chuyện khác.

Khi những người trẻ đã đi chơi và những người ở lại tiếp tục uống cà phê, tán gẫu, thì Ohngelt lặng lẽ rời khỏi chỗ của mình và đi qua cánh đồng ở đằng sau khu vườn lại gần cánh rừng. Chiếc túi xách xinh xắn mà anh ta đang cầm ở trên tay lấp lánh, sáng chói trong ánh mặt trời. Anh ta dừng lại trước một gốc cây mới bị đốn. Anh ta rút khăn mùi xoa của mình ra, trải xuống mặt gỗ còn tươi nguyên và ngồi lên trên đó. Sau đó anh ta chống hai tay lên cằm, buồn bã nghĩ ngợi. Khi anh ta nhìn xuống chiếc túi xách sặc sỡ và khi những tiếng la hét, những tiếng reo hò của các ca viên vang vọng đến theo một làn gió thì anh ta cúi cái đầu nặng trịch xuống thấp hơn và bắt đầu khóc thút thít như một đứa trẻ.

Anh ta ngỗi nguyên như thế khoảng một tiếng đồng hồ. Mắt đã ráo lệ và anh ta không còn xúc động nữa, nhưng giờ đây anh ta cảm nhận rõ nỗi buồn thân phận và nỗi tuyệt vọng trong những nỗ lực của mình hơn trước đây. Khi đó anh ta nghe thấy có bước chân nhẹ nhàng đi tới gần cùng với tiếng váy sột soạt, và trước khi anh ta có thể đứng bật dậy từ chỗ ngồi của mình thì Paula Kircher đã đứng ở bên cạnh.

“Cô đơn quá nhỉ?” cô ấy hỏi nửa đùa nửa thật. Và khi anh ta không trả lời, còn cô ta thì nhìn anh ta kỹ hơn, cô ta bất ngờ trở nên nghiêm túc và hỏi với sự dịu dàng của phụ nữ: “Anh bị làm sao thế? Có chuyện không vui xảy ra với anh à?”

“Không”, anh ta ngập ngừng khẽ nói. “Không. Tôi chỉ nhận ra rằng tôi không hợp với mọi người trong ca đoàn. Và tôi đã là thằng hề của họ.”

“Thôi nào, điều đó sẽ không tồi tệ như thế đâu-“

“Chắc chắn là thế mà. Tôi đã là thằng hề của họ, đặc biệt là đối với các cô gái ở trong ca đoàn. Vì tôi đã hoà nhã và chân thành. Cô có lý, tôi đã không nên gia nhập ca đoàn.”

“Anh có thể xin ra mà, và sau đó mọi thứ sẽ tốt đẹp.”

” Dĩ nhiên là tôi có thể xin ra, và sớm hay muộn gì thì tôi cũng xin ra. Nhưng với việc đó mọi thứ vẫn không tốt đẹp.”

“Tại sao lại không?”

“Vì tôi đã trở thành trò cười cho họ. Và vì giờ đây hoàn toàn không còn cô gái nào nữa-“

Anh ta gần như nấc lên. Cô ấy niềm nở hỏi anh ta: “-vì giờ đây không còn cô gái nào nữa ư-?”

Anh ta nói tiếp bằng giọng run run: “Vì bây giờ không còn cô gái nào tôn trọng tôi nữa và quan tâm đến tôi.”

“Anh Ohngelt”, cô Paula bé nhỏ chậm rãi nói, “anh không suy luận vội vàng đấy chứ? Hay là anh nghĩ, em không tôn trọng anh và không quan tâm đến anh?”

“Không phải vậy đâu. Dĩ nhiên tôi tin là cô còn tôn trọng tôi. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó.”

“Vậy thì vì lẽ gì?”

“Trời ơi, tôi hoàn toàn không nên nói về chuyện đó. Nhưng tôi sẽ thực sự ngu ngốc, nếu tôi cho là bất kỳ ai khác cũng hiểu rõ điều đó hơn tôi. Tôi cũng là một con người mà, đúng không? Nhưng không có… không có… không có cô gái nào muốn lấy tôi!”

Hai người im lặng một lúc lâu. Sau đó cô Paula bé nhỏ lại bắt đầu nói:

“Vậy anh đã hỏi cô này hoặc cô kia rằng cô ấy có muốn lấy anh hay không rồi chứ?”

“Không! Tôi đã không hỏi. Mà hỏi để làm gì kia chứ? Đơn giản là tôi biết trước rằng không cô gái nào muốn lấy tôi.”

“Như vậy là anh muốn các cô gái chạy đến với anh và nói: Anh Ohngelt này, xin lỗi anh, nhưng em rất muốn cưới anh! Thế thì đến già anh cũng chẳng lấy được vợ.”

“Dĩ nhiên là vậy rồi”, Andreas thở dài. “Cô Paula, cô thừa biết tôi đang nghĩ gì mà. Nếu tôi biết rằng có một cô gái có thiện cảm với tôi và có chút tình cảm với tôi, thì-“

“Thì có lẽ anh sẽ rất niềm nở và nháy mắt ra hiệu hoặc ra hiệu bằng ngón tay trỏ cho cô ấy! Chúa ơi, anh là … anh là…”

Nói xong cô ấy chạy đi, nhưng tuyệt nhiên không cùng với một tiếng cười, mà cùng với đôi mắt đẫm lệ. Ohngelt không thể nhìn thấy điều đó, tuy nhiên anh ta đã nhận ra có điều gì đó khác thường ở trong giọng nói và sự chạy đi của cô ấy, vì thế anh ta chạy theo cô, khi anh ta đứng cạnh cô ấy và cả hai cùng im lặng, bất ngờ họ ôm lấy nhau và trao cho nhau một nụ hôn. ở đó anh chàng Ohngelt bé nhỏ đã hứa hôn.

Khi anh ta cùng với vị hôn thê của mình quay trở lại vườn của nhà hàng một cách e thẹn nhưng vẫn can đảm khoác tay nhau thì mọi người đã sẵn sàng ra về và chỉ còn đợi hai người bọn họ. Trong sự ồn ào của đám đông cô Margret xinh đẹp ngỡ ngàng bước đến trước mặt Ohngelt lắc đầu tỏ vẻ kinh ngạc, chúc anh ta hạnh phúc và hỏi: “ơ, thế anh để cái túi xách của em ở đâu?”

Anh ta ấp úng trả lời và vội vã quay trở lại cánh rừng, cô Paula bé nhỏ cũng chạy theo. Chiếc túi xách óng ánh trên đám lá cây màu nâu đang nằm tại nơi anh ta đã ngồi rất lâu và đã khóc, còn cô vợ chưa cưới của Ohngelt thì nói: “Thật may là chúng ta quay trở lại chỗ này. Chiếc khăn mùi xoa của anh vẫn còn ở đây.”

—————-

(1) Đơn vị đo chiều dài thời xưa, bằng khoảng chiều dài của cẳng tay.
(2) Một thị trấn nằm ở phía Tây Nam nước Đức.
(3)”Kị sĩ cướp đường” – một thuật ngữ chỉ kị sĩ bần cùng, sống bằng cách cướp đường (ở châu Âu, vào các thế kỷ 14 và 15).

 

LINK FULL 

Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ 1

Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ 2

Truyện ngắn đặc sắc thế giới – Dịch giả Phạm Đức Hùng – Kỳ cuối

 

 
 
 


 
 
 



Mã QR Code ủng hộ vansudia.net